Hạch toán hàng tổn thất được đền bù

Hàng bị tổn thất được bên bảo hiểm đền bù thì hạch toán như thế nào. Có cần xuất hoá đơn đối với số tiền được đền bù không

HẠCH TOÁN ĐỐI VỚI HÀNG TỔN THẤT ĐƯỢC ĐỀN BÙ

Câu hỏi #7/10 gửi đến Đại lý thuế Trọng Đạt

Công ty chúng tôi mua hàng từ nước ngoài có mua bảo hiểm hàng hoá. Khi hàng cập cảng thì bị thiếu so với hợp đồng và đơn đặt hàng. Bên bảo hiểm đã xác nhận và chấp nhận đền bù bằng tiền. Vậy quy trình hạch toán tiền đền bù như thế nào, chúng tôi có phải xuất hoá đơn đối với số tiền đền bù nhận được không. Vui lòng cho chúng tôi căn cứ pháp lý.

1./ Số tiền được bảo hiểm đền bù có phải xuất hoá đơn không

Theo quy định tại khoản 1, điều 5 thông tư số 219/2013/TT-BTC về các khoản không phải kê khai tính nộp thuế GTGT:

1. Tổ chức, cá nhân nhận các khoản thu về bồi thường bằng tiền (bao gồm cả tiền bồi thường về đất và tài sản trên đất khi bị thu hồi đất theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền), tiền thưởng, tiền hỗ trợ, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác.

Cơ sở kinh doanh khi nhận khoản tiền thu về bồi thường, tiền thưởng, tiền hỗ trợ nhận được, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác thì lập chứng từ thu theo quy định. Đối với cơ sở kinh doanh chi tiền, căn cứ mục đích chi để lập chứng từ chi tiền.

Theo quy định tại khoản 1, điều 16 thông tư số 39/2014/TT-BTC về lập hoá đơn khi bán hàng và cung cấp dịch vụ (đã được sửa đổi theo thông tư số 26/2015/TT-BTC):

b) Người bán phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các trường hợp hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hoá, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động (trừ hàng hoá luân chuyển nội bộ, tiêu dùng nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất).

Như vậy: Khoản thu bồi thường bằng tiền của Công ty không phải là bán hàng hoá dịch vụ nên không phải lập hoá đơn giá trị gia tăng đầu ra. Công ty khi nhận tiền bồi thường thì lập chứng từ thu theo hướng dẫn tại thông tư số 219/2013/TT-BTC nêu trên

2./ Tiền bồi thường được hạch toán như thế nào

Về mặt kế toán

Theo hướng dẫn tại điều 93 thông tư số 200/2014/TT-BTC:

Điều 93. Tài khoản 711 - Thu nhập khác

...Phản ánh các khoản được bên thứ ba bồi thường (như tiền bảo hiểm được bồi thường, tiền đền bù di dời cơ sở kinh doanh...), ghi:

Nợ các TK 111, 112,...

Có TK 711 - Thu nhập khác.

- Các khoản chi phí liên quan đến xử lý các thiệt hại đối với những trường hợp đã mua bảo hiểm, ghi:

Nợ TK 811 - Chi phí khác

Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)

Có các TK 111, 112, 152,...

 Như vậy, kế toán hạch toán như sau:

Nợ TK111, 112 / Có TK711: Phần bảo hiểm bồi thường

Nợ TK811 / Có TK 331: Phần đã thanh toán cho bên nước ngoài tương ứng giá trị hàng thiếu

Về mặt quy định của thuế

Theo quy định tại khoản 2, điều 6, thông tư số 78/2014/TT-BTC về các khoản chi phí được trừ khi tính thuế TNDN:

Phần giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn và trường hợp bất khả kháng khác không được bồi thường được xác định bằng tổng giá trị tổn thất trừ phần giá trị doanh nghiệp bảo hiểm hoặc tổ chức, cá nhân khác phải bồi thường theo quy định của pháp luật

Như vậy, cách hạch toán về thuế TNDN như sau: Lấy giá trị tổn thất (phần thanh toán cho NCC tương ứng hàng thiếu) trừ (-) số tiền bảo hiểm bồi thường

- Nếu tổn thất > bồi thường => Hạch toán phần còn lại vào chi phí khác

- Nếu tổn thất < bồi thường => Hạch toán phần còn lại vào thu nhập khác.

Lưu ý về thuế: Cần xác định việc tổn thất trên có phải trường hợp bất khả kháng không.

Theo quy định tại điều 156 Bộ luật dân sự 2015:

Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!

Xem thêm bài viết tại: https://dailythuetrongdat.com/


(*) Tại thời điểm bạn đọc bài viết này, các quy định có thể đã được sửa đổi, bổ sung hoặc có cách hiểu khác. Bạn vui lòng cập nhật và đối chiếu với quy định hiện hành mới nhất. Bài viết mang tính chất tham khảo, không mang tính hướng dẫn cụ thể cho tổ chức, cá nhân nào.

Bình luận

Đăng ký nhận bản tin

Nhận thông báo cập nhật về thuế; kế toán, kiểm toán; bảo hiểm; doanh nghiệp

Kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ không phải thành lập doanh nghiệp

Kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ không phải thành lập doanh nghiệp