Công văn Chi phí trong giai đoạn chưa phát sinh doanh thu
Trong giai đoạn đầu hoạt động, Công ty phát sinh chi phí nhưng chưa phát sinh doanh thu thì các khoản chi phí này có được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp không? Chi phí vượt mức tiêu hao bình thường có được trừ khi tính thuế không?
Cục thuế TP. Hà Nội ban hành công văn 21842/CT-TTHT ngày 18/04/2019 về chi phí trong giai đoạn doanh nghiệp chưa phát sinh doanh thu. Theo đó nếu các chi phí này đáp ứng các điều kiện tại điều 4 thông tư số 96/2015/TT-BTC thì được tính vào chi phí được trừ:
Kính gửi: Công ty TNHH Peace-Lon Powder Metallurgy (Hanoi) Ngày 20/02/2019, Cục Thuế TP Hà Nội nhận được công văn số 01/2019 đề ngày 28/01/2019 của Công ty TNHH Peace-Lon Powder Metallurgy (Hanoi) (sau đây gọi tắt là Công ty) hỏi về chính sách thuế, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau: - Căn cứ Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp: “Điều 4. Sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 119/2014/TT-BTC và Điều 1 Thông tư số 151/2014/TT-BTC) như sau: “Điều 6. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế 1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau: a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. b) Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật c) Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt. Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng. ...2. Các Khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm: 2.1. Khoản chi không đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều này. 2.2. Chi khấu hao tài sản cố định thuộc một trong các trường hợp sau: ...d) Phần trích khấu hao vượt mức quy định hiện hành của Bộ Tài chính về chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định. ...Đối với tài sản là công cụ, dụng cụ, bao bì luân chuyển, … không đáp ứng đủ điều kiện là tài sản cố định theo quy định thì chi phí mua tài sản nên trên được phân bổ dần vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ nhưng tối đa không quá 3 năm. ...2.3. Phần chi vượt định mức tiêu hao nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hóa đối với một số nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hóa đã được Nhà nước ban hành định mức. ...2.31. Chi về đầu tư xây dựng cơ bản trong giai đoạn đầu tư đế hình thành tài sản cố định. Khi bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp chưa phát sinh doanh thu nhưng có phát sinh các khoản chi thường xuyên để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (không phải là các khoản chi đầu tư xây dựng để hình thành tài sản cố định) mà các khoản chi này đáp ứng các điều kiện theo quy định thì khoản chi này được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. …” - Căn cứ Thông tư số 45/2013/TT-BTC ngày 25/4/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định: + Tại Khoản 3 Điều 3 quy định: “3. Chi phí thành lập doanh nghiệp, chi phí đào tạo nhân viên, chi phí quảng cáo phát sinh trước khi thành lập doanh nghiệp, chi phí cho giai đoạn nghiên cứu, chi phí chuyển dịch địa điểm, chi phí mua để có và sử dụng các tài liệu kỹ thuật, bằng sáng chế, giấy phép chuyển giao công nghệ, nhãn hiệu thương mại, lợi thế kinh doanh không phải là tài sản cố định vô hình mà được phân bổ dần vào chi phí kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian tối đa không quá 3 năm theo quy định của Luật thuế TNDN.” + Tại Điểm d Khoản 2 Điều 4 quy định: “d) Tài sản cố định vô hình được tạo ra từ nội bộ doanh nghiệp: Nguyên giá TSCĐ vô hình được tạo ra từ nội bộ doanh nghiệp là các chi phí liên quan trực tiếp đến khâu xây dựng, sản xuất thử nghiệm phải chi ra tính đến thời điểm đưa TSCĐ đó vào mục đích sử dụng theo dự tính. Riêng các chi phí phát sinh trong nội bộ để doanh nghiệp có nhãn hiệu hàng hóa, quyền phát hành, danh sách khách hàng, chi phí phát sinh trong giai đoạn nghiên cứu và các khoản mục tương tự không đáp ứng được tiêu chuẩn và nhận biết TSCĐ vô hình được hạch toán vào chi phí kinh doanh trong kỳ.” + Tại Khoản 2, Khoản 9 Điều 9 quy định về nguyên tắc trích khấu hao TSCĐ: “...2. Các khoản chi phí khấu hao tài sản cố định được tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại các văn bản pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp. ...9. Việc trích hoặc thôi trích khấu hao TSCĐ được thực hiện bắt đầu từ ngày (theo số ngày của tháng) mà TSCĐ tăng hoặc giảm. Doanh nghiệp thực hiện hạch toán tăng, giảm TSCĐ theo quy định hiện hành về chế độ kế toán doanh nghiệp." Căn cứ quy định trên, Cục Thuế TP Hà Nội hướng dẫn nguyên tắc như sau: 1. Về chi phí thuê nhà xưởng trong giai đoạn trước khi đi vào sản xuất chính thức Khoản chi phí thuê nhà xưởng trong giai đoạn công ty bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh, chưa phát sinh doanh thu là khoản chi thường xuyên để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty (không phải là các khoản chi đầu tư xây dựng để hình thành tài sản cố định) nếu đáp ứng điều kiện khoản chi được trừ quy định tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính thì khoản chi này được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN. 2. Về chi phí khấu hao TSCĐ và phân bổ công cụ dụng cụ trong giai đoạn trước khi đi vào sản xuất chính thức Công ty thực hiện trích khấu hao TSCĐ bắt đầu từ ngày (theo số ngày của tháng) mà công ty hạch toán tăng TSCĐ theo quy định hiện hành về chế độ kế toán doanh nghiệp. Đối với tài sản là công cụ, dụng cụ, bao bì luân chuyển,... không đáp ứng đủ điều kiện xác định là tài sản cố định theo quy định thì chi phí mua tài sản này được phân bổ dần vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ nhưng tối đa không quá 3 năm. Khoản chi phí trích khấu hao TSCĐ, phân bổ giá trị công cụ dụng cụ của công ty nếu đáp ứng điều kiện khoản chi được trừ quy định tại Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN. 3. Về chi phí trong giai đoạn sản xuất thử Trường hợp công ty có phát sinh chi phí sản xuất thử nếu khoản chi này đáp ứng điều kiện khoản chi được trừ quy định tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính thì được tính vào chi phí được trù khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN. 4. Về chi phí vượt định mức tiêu hao nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu năng lượng, hàng hóa Các khoản chi nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hóa đáp ứng điều kiện khoản chi được trừ quy định tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN (trừ phần chi vượt định mức tiêu hao nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hóa đối với một số nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hóa đã được Nhà nước ban hành định mức). Trường hợp Công ty còn vướng mắc, đề nghị Công ty liên hệ với Phòng Thanh tra - Kiểm tra số 1 để được hướng dẫn cụ thể. Cục thuế TP Hà Nội trả lời để c.ông ty TNHH Peace-Lon Powder Metallurgy (Hanoi) biết và thực hiện./.
|