Cập nhật chính sách thuế tháng 9 năm 2020

Phòng Tuyên truyền – Hỗ trợ NNT Cục Thuế TP Hà Nội gửi tới các đơn vị nội dung điểm mới trong chính sách Thuế tháng 9/2020 như sau

CẬP NHẬT CHÍNH SÁCH THUẾ THÁNG 9 NĂM 2020

A/ Về Thuế giá trị gia tăng:

1. Chính sách thuế GTGT đối với trường hợp doanh nghiệp mua hàng hóa từ nhà cung cấp nước ngoài nhưng không làm thủ tục nhập khẩu sau đó bán cho doanh nghiệp Việt Nam làm thủ tục nhập khẩu.

Tổng cục Thuế có công văn số 3330/TCT-CS ngày 14/08/2020 hướng dẫn Cục Thuế TP Hồ Chí Minh về chính sách thuế GTGT.

Theo đó, trường hợp Công ty (sau đây gọi tắt là người bán) mua hàng hóa từ nhà cung cấp nước ngoài với điều kiện giao hàng tại cảng/sân bay Việt Nam nhưng không làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam mà bán lại cho khách hàng là doanh nghiệp hoạt động, kinh doanh tại Việt Nam (sau đây gọi tắt là người mua) với điều kiện giao hàng tại cảng/sân bay Việt Nam và người mua là người làm thủ tục hải quan nhập khẩu và nộp các khoản thuế liên quan (nếu có) ở khâu nhập khẩu thì hoạt động bán hàng hóa nêu trên không đủ điều kiện áp dụng thuế suất 0% và thuộc đối tượng chịu thuế theo quy định, người bán phải lập hóa đơn, tính và kê khai thuế GTGT đầu ra khi bán hàng hóa cho khách hàng Việt Nam theo quy định.

Đối với thuế GTGT đầu vào: Trường hợp người nộp thuế có chứng từ nộp thuế GTGT khâu nhập khẩu mang tên người nộp thuế và đáp ứng các điều kiện về khấu trừ thuế GTGT thì người nộp thuế được kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo quy định.

2. Chính sách thuế GTGT đối với khoản chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng và giấy tờ có giá.
Tổng cục Thuế có công văn số 3597/TCT-CS ngày 01/09/2020 hướng dẫn Cục Thuế TP Hà Nội về chính sách thuế GTGT.

Theo đó:

- Về chính sách thuế GTGT đối với khoản chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng và giấy tờ có giá thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

- Về việc lập hóa đơn: về nguyên tắc người bán phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa dịch vụ, trường hợp Công ty thực hiện dịch vụ chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng và các giấy tờ có giá thì việc lập hóa đơn thực hiện theo quy định tại Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/03/2014 của Bộ Tài chính về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ về nguyên tắc lập hóa đơn.

B/ Về Thuế thu nhập cá nhân:

1. Về chứng từ thu hợp pháp khi đóng góp từ thiện, nhân đạo.

Tổng cục Thuế có công văn số 3569/TCT-DNNCN ngày 25/08/2020 hướng dẫn Công đoàn Ngân hàng Việt Nam về chứng từ thu hợp pháp khi đóng góp từ thiện, nhân đạo.

Theo đó, trường hợp năm 2018 Ngân hàng thực hiện lời kêu gọi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ngân hàng có vận động trích ngày lương của cán bộ, nhân viên chuyển vào tài khoản của Công đoàn Ngân hàng Việt Nam và có đầy đủ chứng từ chuyển tiền và danh sách các cá nhân được trích lương có xác nhận của Lãnh đạo Chi nhánh Ngân hàng, sau đó Công đoàn Ngân hàng Việt Nam đã chuyển khoản tiền trên vào tài khoản của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh và có bản chụp “Giấy báo có” của giao dịch chuyển khoản nêu trên do Ngân hàng mở tài khoản ngân hàng của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh cấp thì cán bộ, nhân viên của Ngân hàng được giảm trừ đối với các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo nêu trên vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân khi quyết toán thuế năm 2018.

2. Về việc hoàn thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ.

Tổng cục Thuế có công văn số 3769/TCT-DNNCN ngày 10/09/2020 hướng dẫn Cục Thuế TP Hồ Chí Minh về việc hoàn thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ.

Theo đó, các khoản thuế TNCN, LPTB phát sinh từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, người nộp thuế đã nộp vào NSNN đúng theo Thông báo của cơ quan Thuế nên không phát sinh các khoản nộp thừa. Khi các cá nhân thực hiện hủy giao dịch về chuyển nhượng bất động sản do ý chí chủ quan của hai bên, không phải lý do bất khả kháng, tài sản không bị ngăn chặn, hạn chế giao dịch và không phải theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền nên không thuộc đối tượng được hoàn thuế theo quy định tại Điều số 70 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và Điều 8 Luật thuế thu nhập cá nhân số 04/2007/QH12.

3. Về chứng từ khấu trừ thuế TNCN.

Tổng cục Thuế có công văn số 3408/TCT-DNNCN ngày 19/08/2020 hướng dẫn Cục Thuế TP Hà Nội và Cục Thuế TP Hồ Chí Minh về chứng từ khấu trừ thuế TNCN.

Theo đó, đối với trường hợp tổ chức trả thu nhập tạm ngừng kinh doanh có thời hạn thì để đảm bảo hồ sơ khai quyết toán thuế của người nộp thuế được đầy đủ đúng qy định thì cơ quan thuế căn cứ vào nhu cầu thực tế cấp chứng từ khấu trừ thuế cho Công ty để Công ty cấp cho người nộp thuế.

4. Nơi nộp hồ sơ quyết toán thuế đối với cá nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Tổng cục Thuế có công văn số 3331/TCT-DNNCN ngày 14/08/2020 hướng dẫn Cục Thuế TP Hà Nội về chính sách thuế TNCN.

Theo đó, trường hợp cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công đồng thời thuộc diện miễn giảm thuế do mắc bệnh hiểm nghèo thì nộp hồ sơ đề nghị miễn giảm do mắc bệnh hiểm nghèo và hồ sơ quyết toán thuế TNCN tại Chi cục Thuế nơi cá nhân cư trú. Căn cứ hồ sơ đề nghị miễn giảm thuế, hồ sơ quyết toán thuế TNCN của cá nhân, Chi cục Thuế nơi cá nhân cư trú xem xét, giải quyết theo quy định.

C/. Về Hóa đơn

1. Về thời điểm lập hóa đơn:

Tổng cục Thuế có công văn số 3711/TCT- CS ngày 08/09/2020 hướng dẫn Công ty CP Tập đoàn HIPT về hóa đơn.
Theo đó, ngày lập hóa đơn đối với cung ứng dịch vụ là ngày hoàn thành việc cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.Trường hợp giao hàng nhiều lần hoặc bàn giao từng hạng mục, công đoạn dịch vụ thì mỗi lần giao hàng hoặc bàn giao đều phải lập hóa đơn cho khối lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ được giao tương ứng.

Trường hợp hợp đồng giữa Công ty và Bệnh viện có hình thức thanh toán theo  tỷ lệ phần tram của giá hợp đồng; Nếu khoản thanh toán nêu trên có gắn với việc hoàn thành từng phần việc cung ứng hàng hóa, dịch vụ thì thực hiện lập hóa đơn theo quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 16 Thông tư số 39/2014/TT-BTC và khoản 1, 2 Điều 8 Thông tư số 219/2013/TT-BTC.

D/ Về Quản lý thuế:

1. Về việc gia hạn nộp thuế GTGT đối với hoạt động kinh doanh xây dựng vãng lai ngoại tỉnh.

Tổng cục Thuế có công văn số 3798/TCT- CS ngày 11/09/2020 hướng dẫn Cục Thuế tỉnh An Giang về việc gia hạn nộp thuế GTGT đối với hoạt động kinh doanh xây dựng vãng lai ngoại tỉnh.

Theo đó:

- Về thủ tục để Kho bạc nhà nước chưa thực hiện khấu trừ thuế GTGT:

Chủ đầu tư các công trình, hạng mục công trình xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, các khoản thanh toán từ nguồn ngân sách nhà nước cho các công trình xây dựng cơ bản của các dự án sử dụng vốn ODA thuộc diện chịu thuế GTGT khi làm thủ tục thanh toán với KBNN phải gửi kèm hồ sơ thông báo tiếp nhận nộp Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất của cơ quan thuế đối với trường hợp nộp bằng phương thức điện tử hoặc giấy tờ khác tương đương đối với trường hợp nộp bằng phương thức khác của nhà thầu thực hiện công trình. KBNN căn cứ trên hồ sơ thanh toán và thông báo tiếp nhận Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất hoặc giấy tờ khác tương đương của nhà thầu thực hiện công trình để chưa thực hiện khấu trừ thuế GTGT (trong thời gian gia hạn).

- Về việc thực hiện quản lý thu sau khi hết thời gian gia hạn thuế

Trường hợp Kho bạc nhà nước tỉnh An Giang chưa thực hiện khấu trừ thuế GTGT (trong thời gian gia hạn) trên số tiền thanh toán khối lượng các công trình, hạng mục công trình xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, các khoản thanh toán từ nguồn ngân sách nhà nước cho các công trình xây đựng cơ bản của các dự án sử dụng vốn ODA thuộc diện chịu thuế GTGT đối với trường hợp nhà thầu thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế GTGT và có hoạt động xây dựng vãng lai tại tỉnh An Giang thì khi hết thời gian gia hạn nhà thầu phải nộp đủ số thuế được gia hạn cho Cơ quan thuế tại tỉnh An Giang theo quy định.

Sau khi hết thời gian gia hạn, trường hợp Nhà thầu chưa nộp đủ số thuế được gia hạn thì Cơ quan thuế tại tỉnh An Giang gửi thông báo số tiền nợ thuế cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp của Nhà thầu để thực hiện đôn đốc thu và nộp về Cơ quan quản lý thu tại tỉnh An Giang.

F/ Về Thuế Tiêu Thụ đặc biệt:

Ngày 15/9/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 109/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) phải nộp của doanh nghiệp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 3, tháng 4, tháng 5, tháng 6, tháng 7, tháng 8, tháng 9 và tháng 10 năm 2020 đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước áp dụng đối với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.

Ngày 17/9/2020, Tổng cục Thuế có công điện số 07/CĐ-TCT về thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế TTĐB đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.

Nội dung lưu ý về gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đã được đăng tải trên website http://hanoi.gdt.gov.vn . 

G/ Vấn đề khác có liên quan:

1. Về thuế GTGT, mã số HS đối với thiết bị ý tế:

Tổng cục Hải quan có công văn số 5660/TCHQ-TXNK ngày 26/08/2020 hướng dẫn Công ty OTTO BOCK Việt Nam về thuế GTGT, mã số HS đối với thiết bị y tế.

Theo đó,

(1) Về thuế GTGT: trường hợp công ty nhập khẩu các bộ phận của mặt hàng Bàn chân giả được xác định là sản phẩm nhân tạo dùng để thay thế cho bộ phận cơ thể của người bệnh thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

(2) Về mã HS hàng hóa:

a) Việc áp mã HS của hàng hóa chỉ căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật về hải quan; hồ sơ, tài liệu kỹ thuật của hàng hóa và thực tế hàng hóa. Hồ sơ công bố và phân loại trang thiết bị y tế chỉ liên quan đến chính sách quản lý hàng hóa nhập khẩu, không phải là căn cứ để phân loại hàng hóa.

b) Về phân loại mặt hàng “bàn chân giả” ở dạng hoàn chỉnh:

Theo chú giải chi tiết nhóm 90.21:

(III) Chi giả, răng giả, mắt giả hay những bộ phận nhân tạo khác của cơ thể:

Đó là những dụng cụ để thay thế toàn bộ hay một phần cho bộ phận bị khuyết của cơ thể và nói chung làm giống như thật. Trong số những dụng cụ này có thể kể:

...(C) Các dụng cụ và đồ giả khác, và như cánh tay, cẳng tay, bàn tay, cẳng chân, bàn chân, mũi, khớp giả (ví dụ cho hông, đầu gối) và các ống bằng sợi tổng hợp để thay thế cho các mạch máu và van tim.

Như vậy, mặt hàng Bàn chân giả ở dạng hoàn chỉnh phù hợp phân loại vào nhóm 90.21 “Dụng cụ chỉnh hình, kể cả nạng, băng dùng trong phẩu thuật và băng cố định; nẹp và các dụng cụ cố định vết gẫy khác; các bộ phận nhân tạo của cơ thể người; thiết bị trợ thính và dụng cụ khác được lắp hoặc mang theo, hoặc cấy vào cơ thể, để bù đắp khuyết tật hay sự suy giảm của một bộ phận cơ thể”.

c)Về phân loại mặt hàng “bàn chân giả” ở dạng chưa lắp ráp hoặc tháo rời:

- Trường hợp Công ty nhập khẩu đầy đủ các bộ phận của Bàn chân giả trong cùng một lô hàng: Phân loại chung tất cả các bộ phận này theo mã số của sản phẩm Bàn chân giả ở dạng hoàn chỉnh.

- Trường hợp Công ty nhập khẩu các bộ phận của Bàn chân giả thành nhiều lô hàng, hoặc nhập dư thừa các bộ phận của Bàn chân giả trong cùng một lô hàng: Phân loại riêng các bộ phận, mã HS của mỗi bộ phận được xác định theo quy tắc phân loại bộ phận của Chú giải 2 Chương 90.

2. Chính sách thuế đối vơi doanh nghiệp chế xuất:

Tổng cục Hải quan có công văn số 5589/TCHQ-TXNK ngày 21/08/2020 hướng dẫn Công ty TNHH may mặc thời trang Renaissance về chính sách thuế đối với doanh nghiệp chế xuất.

Theo đó, việc xử lý thuế đối với trường hợp của doanh nghiệp được áp dụng như sau:

(1) Trường hợp DNCX nhận gia công cho DNCX khác

a) Về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu: Trường hợp DNCX thuê DNCX khác gia công thì hàng hóa đưa đi gia công tại DNCX khác không thuộc đối tượng chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

b) Về thuế GTGT đối với dịch vụ gia công của DNCX cung cấp cho DNCX khác: Trường hợp DNCX nhận gia công cho DNCX khác là quan hệ mua bán hàng hóa, dịch vụ giữa các khu phi thuế quan với nhau nên thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT theo quy định tại khoản 20 Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC.

(2) Trường hợp DNCX nhận gia công cho doanh nghiệp nội địa

a) Đối với doanh nghiệp nội địa:

Về thuế nhập khẩu: Trường hợp DNCX nhận gia công cho doanh nghiệp nội địa, khi nhận lại sản phẩm đặt gia công từ DNCX thì doanh nghiệp nội địa phải kê khai, nộp thuế nhập khẩu theo quy định tại khoản 8 Điều 16 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13, khoản 2 Điều 22 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP. Trị giá tính thuế nhập khẩu thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 17 Thông tư số 39/2015/TT-BTC, không tính vào trị giá hải quan sản phẩm sau gia công trị giá của vật tư, nguyên liệu mà doanh nghiệp nội địa đã đưa đi gia công tại DNCX theo hợp đồng gia công.

Về thuế GTGT: Doanh nghiệp nội địa phải kê khai, nộp thuế GTGT theo giá tính thuế GTGT quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư số 219/2013/TT-BTC.

b) Đối với DNCX:

Về thuế GTGT đối với dịch vụ gia công của DNCX cung cấp cho doanh nghiệp nội địa: Đề nghị đối chiếu quy định tại khoản 7 Điều 30 Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ xác định rõ hoạt động gia công của DNCX có hay không thuộc hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa tại Việt Nam để áp dụng chính sách thuế GTGT theo đúng quy định pháp luật. Trường hợp hoạt động gia công của DNCX thuộc hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa tại Việt Nam theo quy định tại khoản 7 Điều 30 Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ thì DNCX hạch toán riêng và kê khai, nộp thuế GTGT riêng đối với hoạt động gia công nêu trên với thuế suất thuế GTGT 10%.

3. Quy định về kinh doanh hàng miễn thuế.

Ngày 28/08/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2020/TT-BTC quy định về kinh doanh hàng miễn thuế.

- Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 10 năm 2020.

- Nghị định này bãi bỏ Nghị định số 167/2016/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ về kinh doanh hàng miễn thuế.

Doanh nghiệp có nhiều cửa hàng miễn thuế, kho chứa hàng miễn thuế tại nhiều địa điểm khác nhau chịu sự quản lý của các Chi cục Hải quan, Cục Hải quan tỉnh, thành phố khác nhau thực hiện báo cáo quyết toán năm 2020 theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 167/2016/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ về kinh doanh hàng miễn thuế.

Trường hợp doanh nghiệp kinh doanh hàng miễn thuế thực hiện hóa đơn điện tử thì việc lập, quản lý, sử dụng, bảo quản, lưu trữ hóa đơn điện tử thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về hóa đơn điện tử.

4. Quy định về phương thức gửi báo cáo doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, nhà tạo lập thị trường công cụ nợ:

Ngày 03/9/2020, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 80/2020/TT-BTC về hướng dẫn phương thức gửi báo cáo doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, nhà tạo lập thị trường công cụ nợ của Chính phủ quy định tại Nghị định số 88/2014/NĐ-CP ngày 26/9/2014 của Chính phủ quy định về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm và Nghị định số 95/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ quy định về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19 tháng 10 năm 2020. 

5. Về quy định về việc áp dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu và trứng gia cầm.

Ngày 28/08/2020, Bộ công Thương ban hành Thông tư 20/2020/TT-BCT quy định về việc áp dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu và trứng gia cầm có xuất xứ từ các nước thành viên của Liên minh Kinh tế Á Âu năm 2020, 2021, 2022

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 10 năm 2020 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022./.

Đại lý thuế Trọng Đạt (MST: 0108369755) được Cục thuế Hà Nội cấp giấy phép Đại Lý Thuế số 79640/XN-CT-TTHT, Ký ngày 03/12/2018 theo Luật Quản lý thuế. Với bề dày kinh nghiệm làm việc với cơ quan thuế, đã trải qua nhiều cuộc kiểm tra thuế với kết quả tốt, chúng tôi cung cấp dịch vụ hoàn thiện sổ sách kế toán, thuế và giải trình kiểm tra quyết toán thuế tại doanh nghiệp.

Vui lòng liên hệ để được hỗ trợ.


(*) Tại thời điểm bạn đọc bài viết này, các quy định có thể đã được sửa đổi, bổ sung hoặc có cách hiểu khác. Bạn vui lòng cập nhật và đối chiếu với quy định hiện hành mới nhất. Bài viết mang tính chất tham khảo, không mang tính hướng dẫn cụ thể cho tổ chức, cá nhân nào.

Bình luận

Đăng ký nhận bản tin

Nhận thông báo cập nhật về thuế; kế toán, kiểm toán; bảo hiểm; doanh nghiệp

Tải thông báo chấp nhận sử dụng hoá đơn điện tử

Tải thông báo chấp nhận sử dụng hoá đơn điện tử