Cập nhật chính sách thuế tháng 9/2021
Cập nhật một số chính sách thuế tháng 9 năm 2021
CẬP NHẬT CHÍNH SÁCH THUẾ THÁNG 9/2021
Chính sách thuế giá trị gia tăng
1. Chính sách thuế GTGT đối với hàng hoá nhập khẩu để tài trợ phục vụ phòng, chống dịch Covid-19
Ngày 11/9/2021, Chính phủ Nghị quyết số 106/NQ-CP về chính sách thuế đối với hàng hoá nhập khẩu để tài trợ phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, hàng hóa của tổ chức, cá nhân Việt Nam nhập khẩu để tài trợ cho Chính phủ, Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, được áp dụng chính sách thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng như hàng hóa nhập khẩu trong trường hợp viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại.
Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Các trường hợp hàng hóa đã nhập khẩu để tài trợ phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực, được Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố phê duyệt, tiếp nhận hàng hóa tài trợ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị quyết này, được áp dụng chính sách thuế quy định tại Điều 1 Nghị quyết này. Trường hợp đã nộp thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng thì được xử lý số thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng đã nộp theo quy định pháp luật quản lý thuế về xử lý tiền thuế nộp thừa.
Chính sách thuế ưu đãi đối với đối tượng nêu trên 1 được áp dụng cho đến khi có văn bản công bố hết dịch Covid-19 của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp
1. Thuế thu nhập doanh nghiệp đối với cơ sở thực hiện xã hội hoá chưa truy thu theo Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 25 tháng 8 năm 2014 của Chính phủ.
Ngày 17/8/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 71/2021/TT-BTC hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với cơ sở thực hiện xã hội hoá chưa truy thu theo Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 25 tháng 8 năm 2014 của Chính phủ.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2021.
Bãi bỏ Điều 24 Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10 tháng 10 năm 2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Nghị định quy định về thuế.
Theo đó, cơ sở thực hiện xã hội hóa có thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh quy định tại khoản 2 Điều 1 Thông tư số 71/2021/TT-BTC do không đáp ứng các điều kiện theo quy định tại các Quyết định của Thủ tướng thì không bị phạt vi phạm pháp luật về thuế và không tính tiền chậm nộp tính trên số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp tạm thời chưa truy thu theo quy định tại Điều 24 Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10 tháng 10 năm 2014 của Bộ Tài chính đến thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành. Kể từ ngày tiếp theo ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành mà cơ sở thực hiện xã hội hóa chưa nộp số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm thời chưa thu nêu trên thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số tiền thuế chưa nộp và xử phạt vi phạm pháp luật về thuế (nếu có).
2. Về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Ngày 26/8/2021 Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo đó, quy định tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa như sau:
(1) Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng.
Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng.
(2) Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 50 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 20 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại khoản (1).
Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 50 người và tổng doanh thu của năm không quá 100 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 50 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại khoản (1).
(3) Doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và tổng doanh thu của năm không quá 200 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 100 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại khoản (1), (2).
Doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 300 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ theo quy định tại khoản (1), (2).
Nghị định 80/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/10/2021 và thay thế Nghị định 39/2018/NĐ-CP.
3. Về chi phí tiền lương, tiền công của chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ Công ty TNHH MTV:
Tổng cục Thuế có công văn số 3251/TCT- CS ngày 30/08/2021 hướng dẫn Cục Thuế TP Hà Nội về chính sách thuế TNDN
Theo đó, khoản chi tiền lương, tiền công của chủ Doanh nghiệp tư nhân, chủ Công ty TNHH MTV (do một cá nhân làm chủ) (không phân biệt có hay không tham gia trực tiếp điều hành sản xuất, kinh doanh) đều thuộc khoản chi phí quy định tại tiết d, điểm 2.5, khoản 2, Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/06/2014 của Bộ Tài chính. (đã được sửa đổi bổ sung tại Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015 của Bộ Tài chính)
Chính sách về hóa đơn
1. Về Phiếu xuất kho:
Tổng cục Thuế có công văn số 3255/TCT-CS ngày 30/08/2021 hướng dẫn Cục Thuế TP Hà Nội về phiếu xuất kho.
Theo đó, trường hợp Công ty sử dụng Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ thì Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ được in, phát hành, sử dụng và quản lý theo quy định tại Thông tư số 39/2014/TT-BTC. Theo đó, Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ là chứng từ được quản lý như hóa đơn và mẫu số 5.4. Mấu tham khảo Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ (phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư số 39/2014/TT-BTC) là mẫu tham khảo không mang tính bắt buộc. Vì vậy, Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ không nhất thiết phải có tiêu thức “Đơn giá” và “Thành tiền”. Doanh nghiệp có thể tham khảo mẫu Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ nêu trên, đồng thời có thể tạo thêm các thông tin khác phục vụ cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
2. Quy định về hóa đơn, chứng từ:
Ngày 17/9/2021, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 78/2021/TT-BTC về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ.
Nội dung Thông tư số 78/2021/TT-BTC quy định một số nội dung về hóa đơn điện tử gồm: ủy nhiệm lập hóa đơn điện tử; mẫu hiển thị các loại hóa đơn điện tử; ký hiệu mẫu số hóa đơn điện tử, ký hiệu hóa đơn điện tử; chuyển đổi áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế; áp dụng hóa đơn điện tử đối với một số trường hợp khác; hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế; tiêu chí lựa chọn tổ chức cung cấp dịch vụ về hóa đơn điện tử để ký hợp đồng cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế và dịch vụ nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu hóa đơn và các dịch vụ khác có liên quan.
Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định về một số nội dung về hóa đơn giấy gồm: tên loại hóa đơn, ký hiệu mẫu số hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, tên liên hóa đơn do Cục Thuế đặt in; Việc sử dụng biên lai thu thuế, phí, lệ phí của cơ quan thuế đối với cá nhân; và hướng dẫn xử lý chuyển tiếp.
Thông tư số 78/2021/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ 01/07/2022.
Chính sách về quản lý thuế
1. Hướng dẫn việc hoàn thuế GTGT nộp thừa:
Tổng cục Hải quan có công văn số 4309/TCHQ-TXNK ngày 07/09/2021 hướng dẫn Công ty TNHH Henkel Adhesive Technologies VN về việc hoàn thuế GTGT nộp thừa.
Theo đó, Cơ quan Thuế chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện quản lý thu thuế giá trị gia tăng và hoàn thuế GTGT đối với cơ sở kinh doanh; cơ quan Hải quan chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện quản lý thu thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu.
Cơ quan Thuế chịu trách nhiệm hoàn thuế GTGT đối với cơ sở kinh doanh; cơ quan Hải quan chịu trách nhiệm hoàn thuế GTGT nộp thừa khâu nhập khẩu.
2. Về hồ sơ xử lý nợ.
Tổng cục Thuế có công văn số 3234/TCT- CS ngày 27/08/2021 hướng dẫn Cục Thuế TP Hà Nội về hồ sơ xử lý nợ.
Theo đó, trường hợp người nộp thuế là chi nhánh, đơn vị trực thuộc, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thì hồ sơ xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp phải có thêm văn bản xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi trụ sở chính đăng ký địa chỉ hoạt động kinh doanh về việc trụ sở chính không còn hoạt động sản xuất kinh doanh đã đăng ký hoặc quyết định xóa nợ của trụ sở chính.
Vấn đề khác có liên quan
1. Về việc hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19:
Ngày 09/9/2021 của Chính phủ Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19.
Theo đó các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau đây:
(1.) Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.
(2.) Đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hoá thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng.
(3.) Hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
(4.) Tạo điều kiện thuận lợi về lao động, chuyên gia.
2. Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Bản Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Campuchia giai đoạn 2021 - 2022.
Ngày 13/09/2021 Chính phủ ban hành Nghị định số 83/2021/NĐ-CP về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Bản Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Campuchia giai đoạn 2021 - 2022.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày ký ban hành cho đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022.
Đối với các tờ khai hải quan của các mặt hàng nêu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này đăng ký từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 đến trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, nếu đáp ứng đủ điều kiện được hưởng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt quy định tại Nghị định này và đã nộp thuế theo mức thuế suất cao hơn thì được cơ quan hải quan xử lý tiền thuế nộp thừa theo quy định của pháp luật về quản lý thuế
3. Quy định về phí, lệ phí hàng hải và biểu mức thu phí, lệ phí hàng hải.
Ngày 27/08/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 74/2021/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 261/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về phí, lệ phí hàng hải và biểu mức thu phí, lệ phí hàng hải.
Thông tư số 74/2021/TT-BTC ngày 27/8/2021 của Bộ Tài chính có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/10/2021. Nội dung miễn phí (phí trọng tải tàu thuyền, phí bảo đảm hàng hải, phí sử dụng vị trí neo, đậu) đối với tàu thuyền trong thời gian phải neo chờ, neo đậu hoặc hành trình đến vị trí kiểm dịch, cách ly để phục vụ công tác phòng, chống, kiểm dịch trong thời gian công bố dịch bệnh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại điểm b khoản 2, điểm b khoản 3, điểm b khoản 4, khoản 5, khoản 6 và khoản 7 Điều 1 Thông tư này được thực hiện kể từ ngày 27/8/2021.
Bãi bỏ điểm b khoản 2, khoản 4, khoản 5, điểm a khoản 6, khoản 7, điểm b khoản 8 Điều 1 Thông tư số 90/2019/TT-BTC ngày 31/12/2019 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 261/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 quy định về phí, lệ phí hàng hải và biểu mức thu phí, lệ phí hàng hải và Thông tư số 17/2017/TT-BTC ngày 28/02/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí hàng hải.
4. Về việc công bố 5 chuẩn mức kế toán công Việt Nam đợt 1:
Ngày 01/9/2021, Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 1676/QĐ-BTC về việc công bố 5 chuẩn mức kế toán công Việt Nam đợt 1.
Theo đó, Phê duyệt 5 chuẩn mực kế toán công Việt Nam đợt 1 bao gồm:
(1). Chuẩn mực kế toán công Việt Nam số 01 “Trình bày báo cáo tài chính”
(2). Chuẩn mực kế toán công Việt Nam số 02 “Báo cáo lưu chuyển tiền tệ”
(3). Chuẩn mực kế toán công Việt Nam số 12 “Hàng tồn kho”
(4). Chuẩn mực kế toán công Việt Nam số 17 “Bất động sản, nhà xưởng và thiết bị”
(5). Chuẩn mực kế toán công Việt Nam số 31 “Tài sản vô hình”
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
5. Danh mục máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng, nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước đã sản xuất được
Ngày 17/8/2021, Bộ Kế hoạch đầu tư ban hành Thông tư số 05/TT-BKHĐT về danh mục máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng, nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước đã sản xuất được.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 02 tháng 10 năm 2021, thay thế cho Thông tư số 01/2018/TT-BKHĐT ngày 30/03/2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành danh mục máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng, nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước đã sản xuất được. Theo đó:
Các danh mục hàng hóa quy định tại Điều 2 Thông tư này là căn cứ xác định đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, đối tượng miễn thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật về thuế và không bao gồm hết các hàng hóa khác trong nước đã sản xuất được lưu thông trên thị trường trong nước và quốc tế nhưng chưa được quy định tại Thông tư này.
Xem thêm bài viết tại: https://dailythuetrongdat.com/