Cập nhật chính sách thuế tháng 01 năm 2020
Cục Thuế TP Hà Nội gửi tới các Đại lý thuế nội dung điểm mới trong chính sách Thuế tháng 01/2020
Cục Thuế TP Hà Nội gửi tới các Đại lý thuế nội dung điểm mới trong chính sách Thuế tháng 01/2020 như sau:
A/ Về Thuế giá trị gia tăng:
1. Chính sách thuế GTGT đối với dịch vụ lữ hành quốc tế.
Tổng cục Thuế có công văn số 5616/TCT-CS ngày 31/12/2019 hướng dẫn Cục Thuế TP Hà Nội.
Theo đó, dịch vụ du lịch theo hình thức lữ hành quốc tế đưa khách từ Việt Nam ra nước ngoài thuộc đối tượng phải xác định thuế GTGT theo quy định tại Điều 8 Luật thuế giá trị gia tăng. Giá tính thuế GTGT đối với dịch vụ du lịch theo hình thức lữ hành quốc tế thực hiện theo hướng dẫn tại Khoản 16 Điều 7 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính.
Việc lập hóa đơn khi cung cấp dịch vụ nêu trên thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính về hóa đơn bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
2. Về việc hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu:
Tổng cục Thuế có công văn số 5255/TCT-CS ngày 16/12/2019 hướng dẫn Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh về hoàn thuế GTGT.
Theo đó, trường hợp cơ sở kinh doanh trong tháng (đối với trường hợp kê khai theo tháng), quý (đối với trường hợp kê khai theo quý) có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu có số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế giá trị gia tăng theo tháng, quý; trường hợp trong tháng, quý số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ chưa đủ 300 triệu đồng thì được khấu trừ vào tháng, quý tiếp theo.
Cơ sở kinh doanh trong tháng/quý vừa có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, vừa có hàng hóa, dịch vụ bán trong nước thì cơ sở kinh doanh phải hạch toán riêng số thuế GTGT đầu vào sử dụng cho sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu. Trường hợp không hạch toán riêng được thì số thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu được xác định theo tỷ lệ giữa doanh thu của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu trên tổng doanh thu hàng hóa, dịch vụ của các kỳ khai thuế giá trị gia tăng tính từ kỳ khai thuế tiếp theo kỳ hoàn thuế liền trước đến kỳ đề nghị hoàn thuế hiện tại.
Số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu (bao gồm số thuế GTGT đầu vào hạch toán riêng được và số thuế GTGT đầu vào được phân bổ theo tỷ lệ nêu trên) nếu sau khi bù trừ với số thuế GTGT phải nộp của hàng hóa, dịch vụ tiêu thụ trong nước còn lại từ 300 triệu đồng trở lên thì cơ sở kinh doanh được hoàn thuế cho hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu. Số thuế GTGT được hoàn của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu không vượt quá doanh thu của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu nhân (x) với 10%.
Số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu chưa được hoàn của kỳ này được chuyển khấu trừ vào kỳ tiếp theo để xác định số thuế GTGT được hoàn của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu kỳ hoàn thuế tiếp theo.
3. Chính sách thuế đối với các mặt hàng: “Ruồi lính đen”, “Ong mắt đỏ”, “Nấm đông trùng hạ thảo”:
Tổng cục Thuế có công văn số 5178/TCT-CS ngày 11/12/2019 hướng dẫn Cục Thuế tỉnh Tây Ninh về chính sách thuế.
Theo đó, trường hợp các mặt hàng: “Ruồi lính đen”, “Ong mắt đỏ”, “Nấm đông trùng hạ thảo” chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường là sản phẩm của quá trình trồng trọt, chăn nuôi do Công ty Thành Thành Công trực tiếp sản xuất ra thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
B/ Về Thuế thu nhập cá nhân:
1. Về việc xác định đối tượng đăng ký giảm trừ gia cảnh.
Tổng cục Thuế có công văn số 217/TCT-DNNCN ngày 17/01/2020 hướng dẫn Cục Thuế TP Hà Nội về việc xác định đối tượng đăng ký giảm trừ gia cảnh.
Theo đó, trường hợp người lao động làm việc tại Công ty đăng ký người phụ thuộc là cô, dì, chú, cậu, bác ruột vẫn có người thân là anh, chị, em ruột, con có đủ khả năng nuôi dưỡng thì không được coi là người không nơi nương tựa.
C/ Về Hóa đơn:
1. Về việc lập hóa đơn
Tổng cục Thuế có công văn số 5252/TCT-CS ngày 16/12/2019 hướng dẫn Công ty TNHH Seiko Precision Part Việt Nam về hóa đơn, theo đó:
Trường hợp Công ty là doanh nghiệp chế xuất có Giấy chứng nhận đầu tư sản xuất, gia công, lắp ráp các loại linh kiện, bộ phận từ cao su của máy tự động và được Ban Quản lý khu công nghiệp tỉnh Hà Nam cho phép thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu và quyền phân phối bán hàng hóa vào nội địa. Khi phát sinh các hoạt động này, Công ty phải mở sổ kế toán hạch toán riêng doanh thu, chi phí liên quan đến hoạt động mua bán hàng hóa tại Việt Nam để kê khai, nộp thuế riêng đối với các hoạt động này, không hạch toán chung với hoạt động sản xuất để xuất khẩu.
- Về phương pháp tính thuế GTGT đối với hoạt động quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu và quyền phân phối bán hàng hóa vào nội địa được xác định theo hồ sơ khai thuế GTGT theo quy định tại Điều 1 Thông tư số 93/2017/TT-BTC ngày 19/9/2017 của Bộ Tài chính.
- Về hóa đơn sử dụng khi thu tiền từ hoạt động quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu và quyền phân phối bán hàng hóa vào nội địa thực hiện theo hướng dẫn tại Khoản 1 Điều 5 Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014 của Bộ Tài chính và khoản 2 Điều 3 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính.
2. Về việc thực hiện thí điểm hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế.
Tổng cục Thuế có công văn số 5160/TCT-DNL ngày 10/12/2019 hướng dẫn Cục Thuế TP Đà Nẵng về việc thực hiện thí điểm hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế.
Theo đó, trong thời gian từ ngày 01/11/2018 đến ngày 31/10/2020, trường hợp cơ quan thuế chưa thông báo doanh nghiệp chuyển đổi để sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 của Chính phủ và Thông tư số 68/2019/TT-BTC ngày 30/9/2019 của Bộ Tài chính thì doanh nghiệp vẫn áp dụng hóa đơn theo Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/ 2010 của Chính phủ, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Theo quy định tại Khoản 5 Điều 5 Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/05/2010 của Chính phủ, doanh nghiệp có thể đồng thời cùng lúc sử dụng nhiều hình thức hóa đơn khác nhau. Nhà nước khuyến khích sử dụng hóa đơn điện tử.
D./ Về Quản lý thuế:
1. Về việc nộp lệ phí trước bạ đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài không có Giấy chứng minh nhân dân (CMND) hoặc căn cước công dân (CCCD) tại Việt Nam.
Tổng cục Thuế có công văn số 5485/TCT-KK ngày 25/12/2019 hướng dẫn về chính sách thuế.
Theo đó, trường hợp người Việt Nam định cư tại nước ngoài thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của Luật Đất đai và Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP, trong quá trình nộp lệ phí trước bạ nhà đất nếu người nộp thuế chưa có mã số thuế thì cơ quan thuế căn cứ thông tin cá nhân tại hồ sơ cấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất theo quy định tại Điều 7 Thông tư số 95/2016/TT-BTC (căn cứ theo Giấy chứng minh thư nhân dân; thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu (chọn quốc tịch theo quốc gia cấp hộ chiếu)) để cấp mã số thuế cho người nộp thuế.
2. Kê khai thuế GTGT đối với dự án đầu tư:
Tổng cục Thuế có công văn số 5254/TCT-CS ngày 16/12/2019 hướng dẫn Công ty Cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước về chính sách thuế.
Theo đó, trường hợp Công ty tại Đà Nẵng có dự án đầu tư mới tại Tiền Giang đang trong giai đoạn đầu tư chưa đi vào hoạt động, chưa đăng ký kinh doanh, chưa đăng ký thuế; Chi nhánh tại Tiền Giang chưa có sổ sách theo dõi riêng (sổ sách do chủ đầu tư theo dõi), chưa mở tài khoản ngân hàng, chi nhánh chỉ được chủ đầu tư giao quản lý, theo dõi tiến độ và báo cáo tiến độ dự án thì Công ty lập hồ sơ khai thuế riêng cho dự án đầu tư đồng thời phải kết chuyển thuế GTGT đầu vào của dự án đầu tư để bù trừ với việc kê khai thuế GTGT của hoạt động sản xuất kinh doanh đang thực hiện, số thuế GTGT được kết chuyển của dự án đầu tư tối đa bằng số thuế GTGT phải nộp của hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ của cơ sở kinh doanh tại trụ sở chính.
Việc kê khai, khấu trừ, hoàn thuế thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế.
3. Về thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán:
Tổng cục Thuế có công văn số 34/TCT-DNL ngày 06/01/2020 hướng dẫn Cục Thuế TP Hà Nội về xử lý vi phạm hành chính thuế.
Theo đó, trường hợp Cục Thuế tiếp nhận Báo cáo mất hóa đơn do doanh nghiệp phát hiện và báo cáo hành vi vi phạm hành chính về bảo quản, lưu trữ tài liệu kế toán (không phải phát hiện do Cục Thuế đang thực hiện thanh tra, kiểm tra tại Doanh nghiệp) thì thực hiện chuyển hồ sơ sang cho Sở Tài chính TP Hà Nội để lập biên bản vi phạm và xử lý theo thẩm quyền.
E/ Vấn đề khác có liên quan:
1. Quy định về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Hồng Kông, Trung Quốc giai đoạn 2019 – 2022.
Ngày 05/01/2020, Chính phủ ban hành nghị định số 07/2020/NĐ-CP quy định: Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Hồng Kông, Trung Quốc giai đoạn 2019 – 2022.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 02 năm 2020.
Đối với các tờ khai hải quan của các mặt hàng nhập khẩu đăng ký từ ngày 11 tháng 6 năm 2019 đến trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, nếu đáp ứng đủ các điều kiện để được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt quy định tại Nghị định này và nếu đã nộp thuế theo mức thuế cao hơn thì được cơ quan hải quan xử lý tiền thuế nộp thừa theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
2. Quy định về cơ chế quản lý tài chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Ngày 31/12/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 38/2019/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 60/2015/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2015 quy định cơ chế quản lý tài chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 02 năm 2020.
Các quy định tại Quyết định này được áp dụng từ năm tài chính 2019.
3. Quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Ngày 17/01/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 4 năm 2020.
Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
- Các đơn vị kinh doanh vận tải đã được cấp Giấy phép kinh doanh trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành không phải thực hiện cấp lại cho đến khi hết hiệu lực hoặc đến khi thực hiện cấp lại.
- Đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có Giấy phép kinh doanh (Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) hoặc Giấy chứng nhận đầu tư trước ngày Cam kết gia nhập WTO của Việt Nam có hiệu lực, trong đó có ngành nghề kinh doanh vận tải đường bộ được tiếp tục tham gia hoạt động kinh doanh vận tải.
- Phù hiệu xe nội bộ đã được cấp theo quy định tại Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô không còn giá trị sử dụng từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
- Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, phù hiệu đã được cấp cho đơn vị và xe ô tô vận tải hàng hóa thuộc đối tượng kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp theo quy định tại Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô không còn giá trị sử dụng; các đơn vị và phương tiện nêu trên không thuộc đối tượng phải cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, phù hiệu từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
- Quy định việc chuyển tiếp về cấp và sử dụng phù hiệu, biển hiệu đối với xe ô tô kinh doanh vận tải
+ Đối với xe tuyến cố định, xe buýt, xe taxi, xe tải, xe công-ten-nơ, xe đầu kéo, xe hợp đồng có sức chứa từ 09 chỗ trở lên (kể cả người lái xe), xe ô tô vận tải khách du lịch có sức chứa từ 09 chỗ trở lên (kể cả người lái xe) đã được cấp phù hiệu hoặc biển hiệu trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành không phải thực hiện cấp lại cho đến khi hết hiệu lực hoặc đến khi thực hiện cấp lại;
+ Đối với xe hợp đồng có sức chứa dưới 09 chỗ (kể cả người lái xe), xe ô tô vận tải khách du lịch có sức chứa dưới 09 chỗ (kể cả người lái xe) đã được cấp phù hiệu hoặc biển hiệu theo quy định tại Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô phải thực hiện cấp lại phù hiệu theo quy định tại Nghị định này và dán cố định trên xe ô tô kinh doanh vận tải. Thời gian thực hiện xong trước ngày 01 tháng 7 năm 2021.
Trường hợp xe ô tô có sức chứa dưới 09 chỗ (kể cả người lái xe) đã được cấp phù hiệu xe hợp đồng trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành (sử dụng phần mềm tính tiền quy định tại khoản 3 Điều 6 của Nghị định này) nếu có nhu cầu thực hiện theo loại hình xe taxi phải thực hiện cấp lại phù hiệu xe taxi để hoạt động kinh doanh theo quy định.
- Trước ngày 31 tháng 12 năm 2021, người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải quy định tại khoản 4 Điều 13 của Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thuộc các đơn vị kinh doanh vận tải có Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành phải đáp ứng theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 67 Luật giao thông đường bộ năm 2008.
- Các xe ô tô buýt hoạt động trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành nhưng chưa phù hợp với quy định tại điểm c khoản 2 Điều 5 của Nghị định này được phép hoạt động đến khi hết niên hạn sử dụng theo quy định.
- Trước ngày 31 tháng 12 năm 2021, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách đã được cấp phù hiệu, biển hiệu theo quy định tại Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thì phải có dây an toàn tại các vị trí ghế ngồi, giường nằm (trừ xe buýt nội tỉnh).
Xem thêm bài viết tại: https://dailythuetrongdat.com/