BÁO CÁO VAY NƯỚC NGOÀI

Ngày 26/02/2016, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 03/2016/TT-NHNN hướng dẫn một số nội dung về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp.

Theo đó, Thông tư này quy định về: thủ tục đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh; việc mở và sử dụng tài khoản vay, trả nợ nước ngoài tại tổ chức tín dụng được phép tại Việt Nam; việc rút vốn, trả nợ và chuyển tiền khác liên quan đến thực hiện các khoản vay nước ngoài; quản lý ngoại hối đối với các giao dịch liên quan đến bảo lãnh khoản vay nước ngoài; việc cung cấp, sử dụng và quản lý thông tin trên Trang điện tử quản lý vay, trả nợ nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh; Chế độ báo cáo thống kê về hoạt động vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh.

          Việc đăng ký, đăng ký thay đổi, chế độ báo cáo đối với các khoản vay nước ngoài của ngân hàng thương mại mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, khoản vay nước ngoài dưới hình thức phát hành trái phiếu quốc tế của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh thực hiện theo quy định riêng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

          Việc đăng ký, đăng ký thay đổi, chế độ báo cáo đối với các khoản vay nước ngoài (bao gồm cả khoản vay nước ngoài dưới hình thức phát hành trái phiếu quốc tế của doanh nghiệp) được Chính phủ bảo lãnh thực hiện theo quy định riêng của Ngân hàng Nhà nước.

          Việc mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài để thực hiện khoản vay nước ngoài thực hiện theo quy định riêng của Ngân hàng Nhà nước. Việc người không cư trú mua công cụ nợ do người cư trú phát hành trên lãnh thổ Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam.

          Đối tượng áp dụng

Đối tượng áp dụng của thông tư này là: người cư trú là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập, hoạt động kinh doanh tại Việt Nam là Bên đi vay nước ngoài (Bên đi vay); tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung ứng dịch vụ tài khoản liên quan đến hoạt động vay, trả nợ nước ngoài, bảo lãnh cho khoản vay nước ngoài tại Việt Nam; các tổ chức, cá nhân là bên bảo lãnh cho khoản vay nước ngoài của Bên đi vay; tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhận ủy thác cho vay từ Bên ủy thác cho vay là người không cư trú; các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động vay nước ngoài của Bên đi vay; các cá nhân, đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm quản lý và khai thác thông tin trên Trang điện tử.

          Nguyên tắc lựa chọn hình thức khai báo thông tin đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay và báo cáo tình hình thực hiện khoản vay tự vay tự trả

          Bên đi vay có thể lựa chọn thực hiện khai báo thông tin đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay và báo cáo tình hình thực hiện khoản vay tự vay tự trả theo một trong các hình thức sau: hình thức sử dụng Trang điện tử, được gọi là hình thwucs trực tuyến; hình thức không sử dụng Trang điện tử, được gọi là hình thức truyền thống.

          Bên đi vay có thể thay đổi việc lựa chọn từ hình thức truyền thống sang hình thức trực tuyến. Trường hợp đã thay đổi từ hình thức truyền thống sang hình thức trực tuyến, Bên đi vay không được thay đổi lại sang hình thức truyền thống.

          Trang điện tử

          Ngân hàng Nhà nước thực hiện quản lý thông tin dữ liệu về hoạt động vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh thông qua Trang điện tử được truy cập qua địa chỉ www.sbv.gov.vn hoặc www.qlnh-sbv.cic.org.vn.

          Việc sử dụng Trang điện tử để khai báo thông tin đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay và báo cáo tình hình thực hiện khoản vay tự vay tự trả được thực hiện theo quy định tại Thông tư này và Tài liệu hướng dẫn người sử dụng được đăng tải trên Trang điện tử.

          Các Bên đi vay lựa chọn hình thức trực tuyến thực hiện đăng ký tài khoản truy cập theo quy định tại Thông tư này.

          Khoản vay phải thực hiện đăng ký

          Khoản vay thuộc đối tượng phải thực hiện đăng ký với Ngân hàng Nhà nước bao gồm: khoản vay trung, dài hạn nước ngoài; khoản vay ngắn hạn được gia hạn mà tổng thời hạn của khoản vay là trên một năm; khoản vay ngắn hạn không có hợp đồng gia hạn nhưng còn dư nợ gốc tại thời điểm một năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên, trừ trường hợp Bên đi vay hoàn thành việc trả nợ khoản vay trong thời hạn 10 ngày kể từ thời điểm tròn một năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên.

          Thẩm quyền xác nhận đăng ký vay nước ngoài

Ngân hàng Nhà nước (Vụ Quản lý ngoại hối) thực hiện việc xác nhận đăng ký, đăng ký thay đổi đối với các khoản vay có kim ngạch vay trên 10 triệu USD (hoặc loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương) và các khoản vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Bên đi vay đặt trụ sở chính thực hiện việc xác nhận đăng ký, đăng ký thay đổi đối với các khoản vay có kim ngạch vay đến 10 triệu USD.

Tổng hạn mức vay thương mại nước ngoài tự vay, tự trả hàng năm do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đối với khoản vay nước ngoài có bảo lãnh, bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đối với Bên cho vay nước ngoài (bên nhận bảo lãnh) khi được yêu cầu theo cam kết tại thỏa thuận vay, văn bản cam kết bảo lãnh (thư bảo lãnh, hợp đồng bảo lãnh hoặc hình thức cam kết bảo lãnh hoặc hình thức cam kết bảo lãnh khác) đã ký kết giữa các bên liên quan.

Trường hợp Bên bảo lãnh sử dụng tài khoản thanh toán mở tại ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản để chuyển tiền thực hiện nghĩa vụ chuyển tiền bảo lãnh trên cơ sở các chứng từ sau: thỏa thuận vay nước ngoài; văn bản cam kết bảo lãnh; văn bản yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh từ Bên cho vay hoặc Bên đi vay phù hợp với Thỏa thuận vay nước ngoài và văn bản cam kết bảo lãnh...

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/4/2016.

Nguồn: dangkykinhdoanh.gov.vn

Xuất hoá đơn đối với bán hàng trả chậm và lãi trả chậm

Xuất hoá đơn đối với bán hàng trả chậm và lãi trả chậm